Ngày đăng ký chọn ngành học, tôi rụt rè đến bên bàn tư vấn. Sau khi tiết lộ điểm thi đại học và nguyện vọng được vào lớp kế toán, một anh sinh viên khóa trên nói với tôi “chắc điểm của em chưa đủ đậu lớp kế toán, em nên xem xét khoa quản trị kinh doanh nhé”. Tôi ngoan ngoãn nghe lời, lặng lẽ rút lui và đứng chôn chân trước tấm bảng lớn được in la liệt các ngành học của trường.
Khoa quản trị kinh doanh có 2 lớp “Quản trị Doanh nghiệp Xây dựng” và “Quản trị Doanh nghiệp Vận tải”. Sau một hồi, có vẻ như rất đắn đo suy nghĩ trước vận mệnh tương lai đời mình, tôi bấm bụng chọn theo học lớp “Quản trị Doanh nghiệp Xây dựng”. Thực sự lúc ấy, trong đầu tôi là một mớ bòng bong, mà tôi chắc chắn rằng nhiều người khác cũng giống như mình, bơ vơ trước quyết định to lớn đầu đời. Lý do lựa chọn quả thực giống như một trò đùa, chỉ vì chữ “xây dựng” tôi thấy oách hơn chữ “vận tải”. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chẳng hiểu vì sao mình ngô nghê đến thế!
Suốt 4 năm trên giảng đường, chơi nhiều hơn học, có lẽ vì thế nên khi nhận tấm bằng đỏ trên tay, tôi không khỏi run rẩy, chắc chắn không phải vì hồi hộp trên bục lớn mà vì tôi đang tưởng tượng ra tương lai mờ mịt phía trước của mình.
Sau khi ra trường, ai cũng phải lao đi tìm việc, nhưng có lẽ tôi may mắn hơn nhiều đứa trong số đám bạn của mình vì có được công việc nhanh chóng. Thời điểm ấy, vì còn là tấm chiếu mới, chưa có kinh nghiệm, tôi an phận với một công việc bình thường cùng mức lương vừa đủ để trang trải phí sinh hoạt cơ bản ở thành phố.
Được làm việc đúng ngành, đúng nghề là điều ai cũng mong muốn nhưng vẫn có điều gì lấn cấn đeo bám tôi. Dần dà, tôi nhận ra hình như mình không phù hợp với công việc bàn giấy, sổ sách. Công việc quá nhàn đâm ra tôi càng được thể suy nghĩ vẩn vơ. Mỗi 5h chiều khi tan ca, tôi luôn là người bước chân ra khỏi công ty sớm nhất. Nhìn sang cạnh bên, các anh chị đồng nghiệp khác ai ai cũng trong trạng thái hồ hởi, giống như mới chỉ là 9h sáng. Thỉnh thoảng, tôi cũng cố ý nán lại thêm vài phút, cho đỡ quê với mọi người, để bớt đi cảm giác vô dụng trong tập thể. Nhưng cuối cùng khi không thể chịu đựng được nữa, tôi đã quyết tâm dứt áo ra đi.
Thế rồi công việc mới cũng đến với tôi như một duyên may. Dường như mọi sự lựa chọn về nghề nghiệp trong đời tôi, cho đến giờ phút này, hoàn toàn là ngẫu nhiên, không có một chút tính toán, sắp đặt nào. Tôi vào làm việc cho một Agency marketing và bắt đầu kết bạn với con chữ.
Kể từ khi theo nghiệp viết lách, quanh năm suốt tháng tôi chỉ dán mặt vào màn hình máy tính, bấm bàn phím lách tách để sinh sôi chữ với nghĩa.
Ban đầu, viết đối với tôi chỉ đơn giản là một nhiệm vụ bắt buộc trong công việc, không hơn không kém, không bê trễ nhưng cũng chẳng nhiều hứng thú. Thế rồi, ngày kia, tôi vô tình bắt gặp một bài viết của mình nằm ở top 1 trên trang nhất của Google. Chắc có lẽ bài này đã được viết khá lâu rồi nên khi lướt qua tiêu đề, tôi có một chút cảm giác lạ lẫm thoáng qua. Vừa phấn khởi lại tò mò, tôi click thử vào link bài viết để chiêm ngưỡng lại thành quả. Nhưng sự hoan hỉ dần biết mất sau khi tôi nuốt trọn bài viết của mình trong tầm mắt. Không hiểu sao một bài viết tệ đến thế, chằng chịt những lỗi chính tả, câu cú lủng củng như vậy mà lại nằm chễm chệ ở vị trí này.
Google đang trêu người tôi chăng? Sau cú mừng hụt là nỗi thất vọng tràn trề, cuối cùng cảm giác lo lắng đeo đẳng. Tôi e rằng nếu lỡ ai đó đọc được bài viết này, họ sẽ chửi rủa kẻ viết bài, ghét lây cả nhãn hàng mà tôi đang phục vụ, bởi bài viết với câu cú không ra sao mà nội dung cũng chẳng có tí giá trị nào. Vì sợ viễn cảnh ấy xảy ra, nên tôi lao vào trùng tu bài viết mất cả buổi chiều. Dù đã sửa sai trót lọt, nhưng cảm giác khó chịu cũng không vơi đi là mấy, tôi vẫn có đôi chút day dứt trong lòng. Từ hôm đó, tôi bắt đầu nhận ra những gì mình viết có thể ảnh hưởng đến người khác, cách họ suy nghĩ, cách họ hành động. Kể từ đây, tôi hiểu rằng, đến lúc mình cần phải nghiêm túc với việc viết lách. Cần phải viết tốt hơn để tạo ra những giá trị đúng đắn, gửi gắm cho người đọc.
Tôi biết viết lách không phải là công việc dễ dàng, chưa kể bản thân mình lại không có năng khiếu trong chuyện chơi đùa với chữ. Ngày học cấp 3, điểm văn của tôi chỉ loanh quanh ở mức trung bình. Cũng chẳng mấy khi tôi dành thời gian để viết, dù là một vài cái status bâng quơ trên Facebook.
Nhưng có lẽ vì tự nhận thấy nền tảng yếu hơn hẳn nên ý chí quyết tâm cải tạo của tôi lại càng mạnh mẽ. Tôi muốn chứng tỏ rằng, dù không có năng khiếu mình vẫn có thể viết tốt. Cho đến giờ, đã theo nghề viết được 3 năm, nhưng tôi chưa có ý định dừng theo đuổi công việc này. Tôi cũng nhận ra mình thích viết hơn, nó không phải là hứng thú nhất thời. Viết đối với tôi mà nói là cả chặng đường dài để thử thách bản thân, chắc chắn chưa có điểm dừng. Mỗi khi bài viết của mình nhận được những hồi đáp tích cực của ai đó, tôi vui và thấy bản thân đã tiến thêm một bước, dù nhỏ. Dần dần, tôi muốn viết nhiều hơn như là một cách để tiến xa hơn với nghề tôi đang lựa chọn, cũng là thứ giúp tôi bước lên từng nấc thang mới trong sự nghiệp.
Nhiều lúc tôi cũng thấy buồn chán đấy, nhất là khi ý tứ trong đầu tắc tị, một cảm giác trống không bao phủ toàn bộ tầm mắt. Nhưng thật lạ, nếu vượt qua thì đó lại là chuyện khác. Mỗi bài viết đều mang đến những câu chuyện, những trải nghiệm riêng. Viết giúp tôi sáng tạo hơn, hiểu biết hơn, trưởng thành hơn. Và hơn hết, nó cho tôi can đảm để bày tỏ suy nghĩ của mình.
Người ta thường nói rằng, đừng bao giờ cố gắng dồn nén những trăn trở trong lòng, vì khi nó phát nổ, uy lực chắc cũng ngang ngửa trái bom nguyên tử. Bạn càng chất chứa nỗi lòng mình bao nhiêu, nó càng làm tổn thương bạn bấy nhiêu. Khi có tâm sự, ta nên tìm cách giải tỏa.
Với một kẻ sống hướng nội, luôn lầm lì, ít nói như tôi, thì chuyện than thở với người khác thật khó. Có đôi lúc, tôi cũng làm điều này nhưng không thực sự thoải mái. Vì thế, tôi chọn cách thả hết nỗi lòng mình vào từng con chữ để thấy bình an hơn.
Không biết từ khi nào, viết trở thành người bạn tâm giao, thay tôi trút bầu tâm sự, an ủi tôi, động viên tôi. Nó giúp tôi lưu giữ lại những kỉ niệm đẹp của cuộc đời này, mà mãi về sau, khi đã già, nếu đọc lại, tôi sẽ mỉm cười hạnh phúc vì mình đã từng trải qua đủ những cung bậc cảm xúc vui tươi, hoan hỉ, buồn bã, thất vọng, tức giận, chán nản được tô vẽ bằng nét chữ đơn thuần nhưng ánh lên đầy màu sắc đẹp đẽ.