Mặc dù bạn đăng tải các bài viết thường xuyên trên blog, nhưng blog lại thưa thớt người vào, kẻ ra chẳng khác nào Chùa Bà Đanh. Bạn đã làm sai ở đâu? Trong bài viết này, chúng tôi đưa ra 8 lý do phổ biến khiến blog của bạn chưa thu hút được nhiều người đọc và cách để khắc phục. Hãy cùng đọc để tìm hiểu chi tiết nhé!
Mục lục
1. Blog không có chủ đề trọng tâm
Đây là một sai lầm rất dễ mắc phải. Bạn hứng thú với rất nhiều chủ đề, bạn muốn chia sẻ tất cả chúng đến với người đọc. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng tốt.
Thứ nhất, các nội dung trên blog giống như một nồi lẩu thập cẩm không những khiến người đọc khó chịu mà các công cụ tìm kiếm cũng sẽ gặp khó khăn trong việc định hình chủ đề trọng tâm của blog. Và đây rất có thể là lý do các bài viết của bạn bị giảm thứ hạng trên các công cụ tìm kiếm.
Thứ hai, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn khi phân tán sức lực vào việc xây dựng các nội dung đa chủ đề. Bởi, có rất nhiều kiến thức mới lạ, nếu nghiên cứu không sâu, chất lượng bài viết của bạn sẽ chỉ ở mức “tàm tạm”.
Cách khắc phục:
Trước hết, hãy chọn một chủ đề viết mà bạn muốn theo đuổi. Bạn có thể xác định thông qua sở thích cá nhân hay chuyên môn của bạn. Những gì bạn am hiểu tường tận hoặc đặc biệt hứng thú, bạn mới có thể viết về nó tốt nhất. Nếu thích nấu ăn, bạn có thể trở thành một blogger ẩm thực, đừng viết về trang trí nội thất hay vấn đề tài chính. Nếu bạn học trang điểm, bạn có thể tạo ra một blog về làm đẹp. Và hãy nhớ, chủ đề chính của blog có thể chia thành nhiều nhánh chuyên mục nhỏ khác nhau, nhưng chúng phải có sự liên quan và nhất quán.
2. Không viết bài bằng các từ khóa cụ thể
Nhiều người có xu hướng xem blog giống như một trang nhật ký online, họ thường viết về bản thân quá nhiều hoặc viết những chủ đề ngẫu nhiên. Song, những nội dung này chẳng có mấy ai tìm kiếm. Vì thế, chỉ có mình họ là khán giả duy nhất trên blog. Là một người sáng tạo nội dung, chúng ta nên có trách nhiệm cung cấp cho người đọc những gì họ cần. Muốn tìm được những chủ đề nhiều người quan tâm, bạn phải thực hiện bước nghiên cứu từ khóa trước khi bắt đầu viết.
Cách khắc phục:
Thực tế, bạn có thể tìm thấy muôn vàn chủ đề mà người dùng quan tâm, dựa trên nhiều kênh công cụ khác nhau.
Bạn có thể bắt đầu với các công cụ miễn phí như: Google, Google Search Console, Google Trends, Keyword Sheeter. Nếu đã chuyên nghiệp hơn và có mức độ đầu tư cơ bản, bạn có thể xem xét đăng ký một trong các tool dạng trả phí như sau để được hưởng đầy đủ tính năng khi search từ khóa: Kwfinder, Keywordtool.io, Spinediter, Ahrefs, SEMrush Free Option…
Lưu ý: Tìm ra từ khóa người đọc quan tâm mới chỉ là bước đầu. Không phải bất kỳ từ khóa nào có lượng tìm kiếm cao cũng phù hợp để bạn triển khai. Hãy nhớ rằng từ khóa càng nhiều người tìm kiếm thì mức độ cạnh tranh càng cao. Nếu bạn là người mới hãy đi theo chiến lược thông minh, chọn lựa những từ khóa ngách, thể hiện mục đích tìm kiếm rõ ràng từ người đọc và có mức độ cạnh tranh vừa phải.
Ví dụ, nếu bạn là một blogger sức khỏe, thay vì viết về các từ khóa không đầu không cuối như “mụn trứng cá”, “đột quỵ”, hãy chọn các từ khóa rõ ràng hơn như “mẹo trị mụn trứng cá bằng nha đam”, “cách sơ cứu người bị đột quỵ”, “điều trị đột quỵ ở bệnh viện nào tốt nhất”,…
3. Nội dung của bạn chưa đủ hấp dẫn và hữu ích
Ngay cả khi đã chọn được chủ đề muốn theo đuổi, blob của bạn vẫn có thể “vắng khách” vì những gì bạn viết ra không thực sự hấp dẫn. Nội dung của bạn na ná nhiều bài viết khác, không có điểm độc đáo, đặc biệt nó không cung cấp thông tin hữu ích cho người đọc. Vì lẽ đó, họ sẽ không quan tâm đến blog của bạn.
Cách khắc phục:
Bất cứ khi nào bạn viết một bài đăng, hãy tự hỏi mình 3 câu hỏi sau:
- Người đọc trong bài viết là ai, đặc điểm của họ như thế nào?
- Họ cần gì, muốn gì?
- Khi đọc bài viết, bạn đang mong đợi điều gì từ họ?
Khi bạn cho đi thứ người đọc đang cần, bạn sẽ nhận lại những điều mình muốn. Tất nhiên, nếu còn ít kinh nghiệm có thể bài viết của bạn chưa thực sự tốt lúc ban đầu, nhưng đừng ngại thử. Nếu bạn thực sự dành tâm huyết cho mỗi bài viết, giống như tạo ra một tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị, người đọc chắc chắn sẽ cảm nhận được.
Ngoài ra, ngay cả khi bài viết của bạn ở thời điểm hiện tại có tốt đến mấy thì chúng cũng có thể dần lạc hậu theo thời gian. Vì vậy, đừng quên theo dõi định kỳ và “nâng cấp” lại những nội dung đã cũ kỹ, không còn phù hợp.
4. Bài viết quá ngắn
So với các bài đăng trên mạng xã hội thì blog là nền tảng đọc dành cho những người thích nghiên cứu nội dung chuyên sâu hơn. Những bài viết quá ngắn không thể tạo ra đủ sức mạnh để cạnh tranh với các nội dung khác đang on top trên Google. Google cho rằng các bài viết dạng long-content có tính chuyên môn cao, thường được thực hiện bởi chuyên gia. Chính vì thế, Google dành nhiều ưu ái hơn cho các bài viết này trên kết quả tìm kiếm.
Cách khắc phục:
Để được đánh giá là nội dung chuyên sâu, thông thường các bài viết trên blog nên có độ dài ít nhất là 1800 chữ. Tất nhiên còn tùy thuộc vào từng lĩnh vực cụ thể, ví dụ một bài viết bệnh lý tổng quan thuộc lĩnh vực sức khỏe có thể đạt độ dài tiệm cận 3000 từ, thậm chí là hơn. Những bài viết review du lịch có thể số lượng text sẽ ngắn hơn chút, khoảng 1500, và chú trọng nhiều vào phần ảnh. Nói chung, hãy cố gắng viết thật chi tiết và đảm bảo những gì bạn viết ra tốt hơn 10 bài đầu tiên đang nằm trên trang nhất Google. Khi đó, nội dung của bạn mới có cơ may chiếm được vị trí đắc địa.
5. Tiêu đề bài viết nhàm chán
Bạn có bị thu hút bởi những tiêu đề như thế này không?
- 5 mẹo loại bỏ vết ố trên quần áo dễ như ăn kẹo
- 3 cuốn sách nhất định phải đọc trước khi quyết định trở thành Freelancer
- Tự tay trang trí lại phòng ngủ chỉ với 500k và cái kết
- Hết sạch sành sanh mụn thâm trên mặt chỉ bằng cách này
Thống kê cho thấy, có 80% người đọc thấy được tiêu đề một bài viết nhưng chỉ có 20% trong số ấy sẽ click vào và đọc nó. Nếu bạn miệt mài nhiều tiếng đồng hồ giống một chú ong chăm chỉ để tạo ra một bài viết chất lượng nhưng không chú trọng vào tiêu đề, rất có thể bạn đã bỏ qua cơ hội lớn nhất để người dùng tiếp cận bài viết của mình.
Cách khắc phục:
Cho dù bài viết của bạn có hữu ích đến mấy, nhưng nếu bạn không lôi kéo được người đọc ngay từ tiêu đề, bạn đã thất bại. Vì vậy, hãy đầu tư thời gian và công sức để tạo ra một tiêu đề hấp dẫn, nhưng cần đảm bảo lợi ích thực sự. Chắc chắn bạn không muốn nói dối người đọc phải không? Có đến 77 49 cách khác nhau để tạo ra một tiêu đề lôi cuốn, nhưng sau đây là một số cách cơ bản nhất mà bạn có thể thử áp dụng:
- Tiêu đề ở dạng câu hỏi
- Tiêu đề cung cấp ít nhất 1 lợi ích cho người đọc
- Tiêu đề nên có con số
- Tiêu đề dùng phép so sánh
- Tiêu đề sử dụng các từ ngữ gây tò mò, có tính kích thích (tiết lộ, bí mật, hướng dẫn cụ thể, ngay lập tức, mới nhất, top, phải, dễ nhất, cảnh báo, đột phá…)
- Tiêu đề theo trend, giật tít (nhớ đừng lạm dụng)
6. Bài viết chưa được tối ưu chuẩn SEO
Bài viết có thứ hạng cao trên các công cụ tìm kiếm sẽ được nhiều người xem hơn, nhất là 3 vị trí đầu tiên. Nếu bài viết của bạn vẫn chưa lên top thì có thể là do bạn đã bỏ quên việc tối ưu “bài viết chuẩn SEO”.
Bài viết chuẩn SEO là dạng bài viết có nội dung vừa đáp ứng được nhu cầu của người đọc vừa thỏa mãn các tiêu chí xếp hạng của công cụ tìm kiếm. Đó là lý do tại bạn phải tối ưu hóa từng bài đăng trên blog để xếp hạng tốt trên các công cụ tìm kiếm như Google và Bing. Nếu không, các công cụ tìm kiếm này thậm chí sẽ không nhận thấy blog của bạn, chứ đừng nói đến xếp hạng các bài đăng trên blog trong kết quả tìm kiếm của nó.
Cách khắc phục:
Trước hết, bạn cần tìm hiểu đầy đủ các tiêu chí của một bài viết chuẩn SEO, từ việc tối ưu nội dung cho đến hình ảnh. Bạn cần sửa lại bài đăng cho phù hợp với các tiêu chí này. Tuy nhiên, nếu chưa có nhiều kinh nghiệm, có thể bạn sẽ bỏ sót việc tối ưu một phần nào nó trong nội dung bài viết. Không sao, bạn có thể cài đặt Plugin Yoast SEO và tối ưu các chỉ số trong bài viết mà Plugin này đề xuất.
Khi các chỉ số chuyển sang màu xanh lá nghĩa là bạn đã có một bài viết lý tưởng cho Google. Nhưng cũng đừng quá máy móc để cố gắng thỏa mãn các tiêu chuẩn này, nếu không bài viết của bạn sẽ trở nên thực sự tệ với người đọc. Nếu bạn tối ưu SEO tốt và linh hoạt, nó sẽ mang lại nhiều thay đổi tích cực cho lưu lượng truy cập của blog.
7. Blog có trải nghiệm đọc chưa tốt
Nếu blog có trải nghiệm đọc chưa tốt, tỷ lệ thoát trang sẽ cao hơn, Google có thể dựa vào điểm này để hạ thấp thứ hạng bài viết của bạn.
Sau đây là một số lỗi cơ bản trên blog mà bạn cần chú ý tới:
- Bài viết nhiều lỗi chính tả
- Bài viết quá dài mà không có mục lục, không có nút điều hướng trở về đầu trang
- Bài viết không có hình ảnh
- Blog sử dụng font chữ khó đọc
- Các thẻ subheading không được tính toán theo tỷ lệ phù hợp
- Blog hiển thị quá nhiều quảng cáo, popup, box đặt hàng…
- Giao diện blog rối mắt, không có chủ đề hay màu sắc trọng tâm
- Tốc độ load blog quá chậm
- Nhiều trang 404
- ….
Cách khắc phục:
Thực tế, có rất nhiều lỗi để quy vào một blog xấu, trước hết nếu thấy các lỗi cơ bản hãy tự chủ động khắc phục. Có những lỗi phức tạp cần sự trợ giúp từ Designer, Coder hay SEOer. Nếu bạn không phải là người am hiểu về cách tối ưu blog hãy tìm kiếm một chuyên gia tư vấn về mảng này, họ sẽ giúp bạn bắt bệnh và sửa chữa blog để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
8. Bạn không bao giờ quảng cáo trên mạng xã hội
Viết blog không dễ dàng, nhất là 6 tháng đầu tiên. Ở thời điểm này, blog của bạn còn non yếu, Google cũng chưa dành cho nó nhiều ưu ái. Chính vì thế, blog có rất ít người đọc dù bạn có tạo ra nội dung thực sự chất lượng. Lúc này, việc tận dụng mạng xã hội sẽ giúp blog của bạn thu hút được đáng kể người xem. Nếu bạn có uy tín cá nhân trên nhiều nền tảng khác thì đây là một lợi thế.
Cách cải thiện:
Facebook hiện là mạng xã hội tiềm năng nhất để kéo người đọc về blog của bạn. Bên cạnh đó, bạn có thể chia sẻ nội dung của mình trên các mạng xã hội uy tín khác như LinkedIn hay Twitter.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách biên tập lại nội dung bài viết trên blog ngắn gọn hơn (từ 200 – 500 từ) và đăng vào các group có chủ đề liên quan, nhớ đính kèm link bài viết gốc ở dạng rút gọn để người đọc có thể theo đường link đọc toàn bộ nội dung. Sau đó, bạn cần đo lường tỷ lệ người đọc click vào từng link ở các group khác nhau để tìm ra đâu là nơi người đọc yêu thích nội dung của bạn và hoạt động tích cực hơn ở đó.
Nếu có thể, bạn hãy lên kế hoạch xây dựng group riêng cho mình, đây sẽ là nơi để bạn duy trì lượng người đọc trung thành và tạo được uy tín cá nhân.
Một cách khác để xây dựng khán giả trung thành cho blog của bạn là tạo danh sách tiếp thị qua email. Đây không chỉ là chiến lược tuyệt vời để thu hút truy cập mà còn là cách hay để phát triển các mối quan hệ công việc trong tương lai. Để làm điều này, bạn có thể xem chi tiết bài viết: 5 cách thu hút lượt đăng kí Email Marketing
Trước khi rời khỏi bài viết này, đừng hoang mang vì bạn cảm thấy như mình đang làm sai mọi thứ. Một trong những khía cạnh khó khăn nhất của việc viết blog, đặc biệt khi mới bắt đầu, là thu hút mọi người đọc nội dung của bạn. Hãy xem chi tiết các hướng dẫn và triển khai theo từng bước nhỏ, mọi thứ sẽ tốt hơn từng chút một.
Nội dung trên được reup từ bài viết 8 lý do không ai ngó ngàng website của bạn và cách khắc phục – dimidigital.com (tác giả Phuongleo)
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này, mình rất vui nếu các bạn dành tặng mình một like dưới chân bài viết hoặc ủng hộ một ly trà chanh để mình có thêm động lực chia sẻ những nội dung hữu ích.
Bạn có yêu cầu nào cần mình trợ giúp không?
Mình luôn sẵn lòng lắng nghe để tìm được giải pháp tốt nhất cho vấn đề của bạn!
Bạn thân mến! Nếu bạn thật tâm muốn kết nối với mình thì hãy điền đúng địa chỉ email để chiếc thư mình trao đi không bị thất lạc nhé!