Bài viết PR là vũ khí lợi hại giúp các đơn vị kinh doanh lớn nhỏ đạt được mục tiêu tiếp thị của mình. Tuy nhiên, đôi khi chúng được “tẩm ướp gia vị quảng cáo” quá mức nên khiến người đọc ngán ngẩm và bỏ qua.
Vậy, đâu là bí kíp giúp bạn tạo ra một bài viết PR có nội dung thực sự hấp dẫn với người đọc? Bằng kinh nghiệm của một Content writer “4 tuổi”, mình sẽ giúp bạn có được lời giải đáp rõ ràng cho câu hỏi ấy.
Đây không chỉ là tài liệu cần thiết đối với Content writer mới vào nghề mà còn dành cho cả những chủ kinh doanh đang muốn “thu phục” khách hàng bằng các bài viết PR đáng giá.
Nếu bạn đã sẵn sàng, hãy tiếp tục kéo chuột xuống dưới!
Mục lục
Bài viết PR là gì?
Bài viết PR chia làm 2 loại Advertorial và Editorial. Trong đó:
Advertorial là dạng bài viết được doanh nghiệp trả phí để xuất hiện trên các trang báo. Thông điệp trong bài viết được triển khai theo ý đồ từ phía doanh nghiệp, nhằm mục tiêu thiết lập hình ảnh tốt đẹp về thương hiệu với khách hàng. Nội dung bài viết có thể đính kèm hình ảnh minh họa sản phẩm, thông tin công ty, lời mời mua hàng… Cuối bài viết đôi khi sẽ kèm theo chú thích tuyên bố từ chối trách nhiệm pháp lý. Độ dài tiêu chuẩn của một bài viết dạng này là từ 800 – 1200 chữ.
Thông thường, công ty sẽ book các đơn vị báo chí, các Agency hoặc hoặc Freelancer Writer để thực hiện bài viết Advertoria. Bài viết này sẽ được biên tập (nếu cần thiết) bởi kênh báo chí mà doanh nghiệp lựa chọn trước khi đăng tải.
Đối với kế hoạch marketing của doanh nghiệp, viết bài PR là một trong những khâu cơ bản nhất nhưng cũng là công việc có tính tổng hợp rất cao. Để hoàn thành một bài PR đòi hỏi người viết phải có những chuẩn bị cần thiết về nhiều mặt, không chỉ là kiến thức về quan hệ công chúng mà còn cần phải theo sát các vấn đề của doanh nghiệp và các lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp, kể cả đối thủ cạnh tranh.
Bạn có thể xem một vài mẫu bài Advertorial ở các link dưới đây:
- Mỹ phẩm thiên nhiên: Nốt thanh âm giữa muôn vàn kí hiệu hóa học
- Dạ Hương giữ vững vị thế được tin dùng số 1 Việt Nam 12 năm liên tiếp
- ‘Ngôi làng nhiệt đới’ Sun Tropical Village sắp xuất hiện ở Nam Phú Quốc
Editorial bản chất là một bài báo thông thường nói về các vấn đề của doanh nghiệp, thương hiệu hay sản phẩm. Nó được thực hiện bởi các nhà báo và hoàn toàn không thông qua các yêu cầu đặt hàng từ doanh nghiệp. Các bài báo này được đăng trên các mục tinh tức (mà không phải mục quảng cáo giống như Advertorial). Bài viết không có chú thích cuối trang hay tuyên bố từ chối trách nhiệm. Do đó, giá trị tin tức trong bài viết được bảo vệ toàn vẹn mà không bị ảnh hưởng hay chi phối bởi doanh nghiệp, chính vì vậy dạng bài viết này sẽ có tính khách quan cao hơn trong con mắt của người đọc. Nếu doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu qua báo chí, bắt buộc họ cần có mối quan hệ tốt với các nhà báo hay phóng viên.
Bạn có thể xem một vài mẫu bài PR Editorial ở các link dưới đây:
- Gạo ST25 ngon nhất thế giới chắp cánh cho thương hiệu gạo Việt
- Grab đề xuất dùng công nghệ hỗ trợ đi chợ hộ
- Vingroup ủng hộ đồng bào lũ lụt 13 tỷ đồng và 320 tỷ đồng cho người nghèo
Như ở các ví dụ trên bạn có thể thấy, hình thức của bài viết Advertorial sẽ được triển khai sao cho giống bài viết Editorial nhất để tăng độ tin cậy ở người đọc. Ở các phần nội dung dưới đây, tôi muốn hướng đến các cách để tạo ra một bài viết Advertorial thu hút người đọc. Tôi sẽ rút gọn và gọi nó đơn giản là bài viết PR.
Lợi ích của bài viết PR
1. Củng cố nhận thức tích cực về thương hiệu
Ngày nay, quảng cáo tràn ngập khắp nơi, nhiều người cảm thấy mệt mỏi, bị làm phiền khi chúng hiện lên, đặc biệt là những bài viết PR “trắng trợn” đến mức phản cảm. Nhưng nếu bài viết PR được thực hiện một cách tinh tế, nó có khả năng cao được người đọc chấp nhận, thậm chí là hưởng ứng. Khi đó, uy tín của thương hiệu cũng được củng cố.
Đối với những thương hiệu đã có danh tiếng trên thị trường, khi gây dựng được niềm tin nhất định nơi khách hàng, họ sẽ không dừng lại. Nếu dừng lại, người dùng sẽ quên mất họ, dù cho đã nổi tiếng thế nào. Nhận thức về thương hiệu vẫn cần tiếp tục duy trì lâu dài. Đó là lý do vì sao hàng loạt các nhãn hàng quốc dân nổi tiếng như OMO, Dạ Hương, Bitis, Thiên Long… không ngừng quảng cáo đều đặn hằng quý, hằng năm dưới đủ loại hình thức khác nhau, để nhắc nhở khách hàng luôn nhớ đến họ.
Bên cạnh đó, bài viết PR cũng là một công cụ hữu hiệu giúp thương hiệu đối phó với khủng hoảng truyền thông. Sự xuất hiện của các bài viết xấu hiển thị trên internet là điều không thể tránh khỏi. Nhưng dù lý do gây ra những thông tin tiêu cực ấy là gì thì người đọc chỉ hiểu một chiều. Chúng ta khó có thể thay đổi suy nghĩ của họ nếu như họ đã tiếp cận các thông tin này. Do đó, doanh nghiệp phải chủ động phản ứng lại với bài viết tiêu cực càng sớm càng tốt để giảm thiểu thiệt hại về mọi mặt. Lúc này, các bài viết PR đóng vai trò vô cùng quan trọng. Một trong những phương pháp nhanh chóng và đơn giản mà nhiều công ty áp dụng đó là đăng tải một lượng lớn các bài viết tích cực về thương hiệu để nhấn chìm các bài viết tiêu cực trên nhiều kênh truyền thông khác nhau.
2. Cải thiện tỷ lệ chuyển đổi
Thông thường, các bài viết PR đều đính kèm thông tin sản phẩm, thương hiệu và link website ở dưới cùng. Rõ ràng là bài viết đã tạo ra một link liên kết uy tín để gia tăng sức mạnh cho trang web. Dù đó là dạng link Nofollow (link không được index bởi công cụ tìm kiếm) hay Dofollow (link được index bởi công cụ tìm kiếm) thì cũng đều có ý nghĩa nhất định về mặt SEO, giúp cải thiện sức mạnh của website thương hiệu.
Quan trọng hơn khi người đọc truy cập website từ trang báo, họ có thể trở thành khách hàng thực sự, giúp công ty gia tăng doanh số. Tất nhiên, quá trình mua hàng không phải lúc nào cũng đơn giản như vậy, vì Insight (là những mong muốn, suy nghĩ ẩn sâu bên trong có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định) của người dùng rất phức tạp. Họ có thể thoát khỏi bài viết và tham khảo những nguồn thông tin khác nói về sản phẩm, tìm kiếm thông tin về sản phẩm cạnh tranh hoặc không làm gì cả. Nhưng dù sao mỗi một lượt tiếp cận từ bài viết PR cũng cũng là một cơ hội thúc đẩy bán hàng cho doanh nghiệp. Nếu sản phẩm của doanh nghiệp thực sự chất lượng, sớm muộn khách hàng cũng sẽ tìm đến.
Công thức tạo ra bài viết PR hiệu quả
Bài viết nhồi nhét nội dung PR quá mức thường thiếu tính khách quan, khiến cho người đọc luôn có tâm lý chối bỏ. Nếu bài viết PR đáp ứng và cân bằng được 3 thành phần sau đây nó sẽ thu hút người đọc và đạt được hiệu quả tiếp thị tốt nhất.
Điều mà thương hiệu muốn nói là gì?
Đối với các doanh nghiệp, họ muốn thông điệp trong bài viết được truyền tải một cách đầy đủ và rõ ràng nhất. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, riêng với những nội dung liên quan tới bán hàng thì không nên chiếm quá 30% độ dài bài viết.
Nội dung mà thương hiệu triển khai có được các kênh phương tiện truyền thông chấp nhận?
Đối với các kênh truyền thông, họ quan tâm đến nội dung và hình thức bài viết có phù hợp với nguyên tắc quảng cáo hay không. Dù cho bài viết có hay đến mức nào, nhưng nếu vi phạm nguyên tắc quảng cáo báo chí thì cũng sẽ không được đăng. Ngoài ra, các kênh này cũng quan tâm tới độ hot của thông tin. Thông tin có sức hút mạnh đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Nội dung trong bài viết có phải là thứ người đọc đang quan tâm?
Người đọc thường quan tâm đến những thông tin gần gũi với cuộc sống của họ. Nội dung thú vị cũng là yếu tố quan trọng thu hút sự chú ý của họ. Đa phần, người đọc sẽ không mấy hào hứng với những bài viết quá chú trọng yếu tố PR. Chỉ ngoại trừ những trường hợp đã quan tâm tới sản phẩm trước đó và tìm kiếm về thương hiệu một cách có chủ đích. Với những người đọc lần đầu tiếp cận thương hiệu, bài viết PR cần phải được thiết kế sao cho càng giống một bài báo truyền thống càng tốt.
Quy trình viết bài PR
Bước 1: Thu thập thông tin về thương hiệu, sản phẩm và đối thủ cạnh tranh
Qua trao đổi với khách hàng, bạn cần nắm được các thông tin chi tiết mà doanh nghiệp muốn truyền đạt về sản phẩm của họ, thương hiệu của họ. Đâu là mục tiêu họ muốn hướng tới? Đâu là thông điệp cốt lõi họ muốn truyền tải? Doanh nghiệp muốn người đọc khắc cốt ghi tâm Slogan độc đáo của họ hay nhớ tới một đặc điểm quan trọng ở sản phẩm của họ?… Bên cạnh đó, đôi khi, người viết cũng cần tìm hiểu thêm về đối thủ cạnh tranh, phân tích các bài viết PR của đối thủ, để lựa chọn hướng đi phù hợp cho bài viết của mình.
Bước 2: Xác định đối tượng đọc bài và đặc điểm của họ
Khách hàng mục tiêu là tất cả những người có thể quan tâm đến sản phẩm của doanh nghiệp. Nếu không nắm được nhóm đối tượng này, bài viết của bạn sẽ không gây được tiếng vang trước công chúng, không giải quyết được vấn đề mà họ đang gặp phải.
Trong khi ngân sách tiếp thị có hạn, nên không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực tài chính để tiếp cận tất cả mọi người. Việc “ngắm bắn” đúng nhóm đối tượng sẽ tăng tỷ lệ chuyển đổi và số lượng khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp.
Kinh nghiệm từ Copywriter hàng đầu như Joe Vitale (tác giả cuốn Thôi Miên Bằng Ngôn Từ) cũng nói rằng, xác định người đọc càng cụ thể, rõ ràng thì càng dễ tạo ra những bài viết cuốn hút.
Vì lẽ đó, chúng ta cần tìm ra “điểm đau” của đối tượng mục tiêu. Người viết cần đặt mình vào vị trí của họ và đặt ra câu hỏi “Nếu tôi cũng đang… thì tôi sẽ quan tâm điều gì?”. Vị trí dấu 3 chấm được thay bằng đặc điểm của đối tượng đọc.
Ví dụ: Với bài viết PR một loại son môi mới ra mắt của nhãn hàng A, đặt mình vào đối tượng đọc, bạn cần đặt câu hỏi “Nếu tôi cần mua một thỏi son thì tôi sẽ quan tâm điều gì?”.
Câu trả lời có thể là:
- Màu sắc của thỏi son
- Độ lì của thỏi son
- Tính an toàn của thỏi son
Nếu bài viết PR giải quyết được mối bận tâm của khách hàng tiềm năng, họ sẽ bắt đầu chú ý và dành sự tin tưởng cho thương hiệu của bạn. Càng cảm thấy rõ nỗi đau của người đọc, bạn càng dễ viết ra những nội dung chạm tới trái tim họ.
Bước 3: Nghiên cứu trang báo đăng tin
Mỗi trang báo sẽ có phong cách viết và đối tượng độc giả riêng. Do đó, bạn nên tìm đọc các bài viết PR đã được xuất bản trên các trang này để xem loại nội dung nào phổ biến nhất và hiệu quả nhất. Bạn có thể tham khảo ý kiến của một biên tập viên để có cái nhìn rõ ràng hơn về cách viết trên các trang này. Nếu như vậy, bài viết của bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn được đơn vị xuất bản chấp nhận, giảm thiểu tối đa việc biên tập.
Bước 4: Xây dựng dàn ý
Dựa trên các thông tin tổng hợp được ở các bước trên, bạn xây dựng dàn ý thô cho bài viết. Trong quá trình viết bài chi tiết, bạn có thể linh hoạt điều chỉnh lại dàn ý, thêm bớt các mục để tối ưu hơn cho đối tượng đọc mục tiêu.
Để người đọc có thể đủ kiên nhẫn theo dõi hết bài viết, thông thường chúng ta nên sắp xếp mục được người đọc quan tâm lên trước, các mục ít quan trọng hơn thì đặt xuống dưới. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta tạo ra một đoạn mở đầu gây nhiều tò mò ví dụ úp mở về “cái kết” hoặc hứa hẹn tặng quà bí mật ở cuối bài viết thì chúng ta vẫn có thể để những thông tin quan trọng này xuống dưới cùng bài viết, đó cũng là một mẹo để người đọc cố nán lại đọc hết bài.
Bước 5: Viết bài
Ở phần này, bạn sẽ viết nội dung dựa trên những thông tin hữu ích muốn cung cấp cho người đọc và điều hướng họ thực hiện hành đọc mà doanh nghiệp mong đợi. Khi điều hướng thì nên điều hướng tới hành động dễ trước (ví dụ: ghi nhớ tên sản phẩm, like/share bài viết, click vào website…), việc điều hướng tới những hành động khó quá sớm (ví dụ: đặt hàng) dễ gây phản cảm.
Bước 6: Hiệu đính bài viết, nhận phản hồi từ khách hàng và đăng tải
Bước này bao gồm quá trình biên tập, sửa chữa lại các lỗi sai, các điểm chưa phù hợp của bài viết. Tiếp theo, bạn gửi nó cho khách hàng và chờ đợi phản hồi, tiếp tục sửa đổi (nếu có). Nếu không có vấn đề gì, bài viết sẽ được gửi tới kênh báo chí để lên kế hoạch đăng tải. Nhưng thường thì các bài viết sẽ được biên tập viên báo chí kiểm duyệt và yêu cầu người viết biên tập lại trước khi đăng.
4/ Cách để viết bài PR trở nên thu hút
1. Tạo ra tiêu đề hấp dẫn
Tiêu đề bài viết giống như khuôn mặt của một người. Gương mặt ấy đủ thu hút, đủ cảm mến mới khiến chúng ta quyết định dừng lại và kết bạn. Một tiêu đề hay phải khơi dậy được hứng thú của người đọc.
Bạn có thể bắt đầu bằng 1 trong 3 thủ thuật cơ bản sau để tạo ra các tiêu đề hấp dẫn:
Sử dụng từ ngữ gây tò mò
Để kích thích sự tò mò, bạn có thể sử dụng một số từ hồi hộp và kích thích suy nghĩ, chẳng hạn như “hóa ra”, “bất ngờ”, “người ta nói”, “bí mật”, “sự thật”, “đằng sau”, “Chúa ơi”, v.v. Tất nhiên, không nên có quá nhiều từ trong tiêu đề, nếu không, ý nghĩa sẽ bị phân lớp và khó nắm bắt được các điểm chính.
Ví dụ:
- Hóa ra chỉ bằng cách đơn giản này A đã giảm 10kg chỉ trong 2 tháng.
- VinFast VF e34 bất ngờ xuất hiện tại châu Âu.
- Sự thật đằng sau chiếc kính “đi bão” được giới trẻ săn lùng ngày Cá tháng Tư.
Bạn có thể tìm thấy những tiêu đề tương tự ở rất nhiều trang báo hiện nay. Điểm đặc biệt của những tiêu đề dạng này không chỉ nằm ở việc sử dụng từ ngữ tạo yếu tố bí ẩn mà nó chỉ gợi ra một nửa của vấn đề, đồng thời giấu đi một nửa sự thật còn lại. Tiêu đề cho bạn biết rằng có một cách giảm cân rất hiệu quả nhưng họ không nói với bạn cụ thể đó là cách gì. Đây là bí quyết để lôi kéo người đọc. Nếu họ muốn biết một nửa sự thật còn lại, họ phải click vào tiêu đề và đọc chi tiết bài viết.
Sử dụng dạng câu nghi vấn
Cách thứ hai là đặt tiêu đề dưới dạng câu nghi vấn, đó có thể là một câu hỏi thông thường hoặc một câu hỏi tu từ. Khi thiết lập sự tò mò bằng cách đặt câu hỏi, hãy chú ý, câu hỏi đặt ra phải hấp dẫn, không quá đơn giản và ngây ngô, cũng không quá bí ẩn và khó hiểu.
Ví dụ:
- A đã giảm 10kg thế nào trong 2 tháng?
- Thành công của “Bố già” có phải hên?
- Lý do nào Iphone luôn là sự lựa chọn hàng đầu của người dùng smartphone?
Tiêu đề tạo ra sự khẩn cấp
Tạo cảm giác cấp bách, khan hiếm khiến người đọc muốn xem nội dung ngay lập tức bởi vì họ cảm thấy như họ sẽ bỏ lỡ một điều gì đó tuyệt vời.
Bạn có thể tạo ra sự khẩn cấp trong tiêu đề bằng cách sử dụng các cụm từ hoặc từ như “chỉ còn”, “nhanh chóng”, “ngay bây giờ”, “sớm”, “giới hạn”, “cuối cùng”, “hôm nay”…
Ví dụ:
- Túi du lịch tiện lợi giá rẻ: Chỉ từ 48k tậu được một chiếc xinh xắn
- Ba lý do nên du lịch Đà Lạt ngay bây giờ kẻo lỡ mất ‘mùa vàng’
- Căn hộ phiên bản giới hạn giữa trung tâm Hà Nội
Lưu ý chung: Viết tiêu đề không hề đơn giản, vì vậy tôi khuyên bạn nên viết ít nhất 5 tiêu đề để tìm được lựa chọn ưng ý nhất. Nhưng dù sáng tạo thế nào, bạn cũng không được quên sự thống nhất giữa tiêu đề và nội dung bài viết, tránh để ra sự thất vọng cho người đọc khi họ click vào những tiêu đề một đằng, nội dung một nẻo. Tiêu đề phải mang đến cho người đọc ít nhất một lợi ích. Bên cạnh đó, nếu bạn quan tâm tới yếu tố SEO, bạn có thể tối ưu tiêu đề để đạt được thứ hạng cao trong công cụ tìm kiếm.
2. Cung cấp các thông tin chứng thực để làm tăng độ tin cậy
PR được cho là sự kết hợp thông minh giữa thông tin, cảm xúc và bằng chứng. Khi bài PR cho thấy sản phẩm của doanh nghiệp có thể giải quyết được điểm khó của đối tượng mục tiêu, các luận điểm trong bài viết cần đưa ra một cách xác đáng để chứng minh cho nhận định này.
Đây là lý do tại sao việc thu thập lời chứng thực, phân tích dữ liệu bán hàng và xây dựng số liệu thống kê liên quan đến mức độ hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm của doanh nghiệp là rất quan trọng. Dữ liệu thống kê sẽ là lời chứng thực vô cùng có giá trị để củng cố cho những tuyên bố quan trọng trong bài viết.
Khi cung cấp thông tin cần cho người đọc thấy sự rõ ràng. Câu “Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018, Việt Nam có tỷ lệ mắc ung thư gan theo giới tính nam cao thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Mông Cổ và Lào” tốt hơn cả trăm lần so với câu “Theo thống kê, nam giới Việt Nam có tỷ lệ mắc ung thư gan rất cao.” Ngoài ra, người viết cũng cần tránh sử dụng quá nhiều từ ngữ mô tả chung chung, khái quát hoặc những lời giải thích quá hoa mỹ. Vì người đọc sẽ cảm thấy thiếu tin tưởng ở một bài viết có nội dung mơ hồ.
Nếu sản phẩm của doanh nghiệp được nhiều khách hàng hài lòng và phản hồi tích cực, bạn có thể tận dụng nguồn thông tin quý giá này để phục vụ cho bài viết PR.
Bạn có thể thực hiện một bài phỏng vấn hoặc đàm phán với người dùng để có một bài review chia sẻ về trải nghiệm của họ với sản phẩm. Khách hàng của bạn không cần phải viết lên toàn bộ câu chuyện của họ. Trong cuộc phỏng vấn, hãy cố gắng tìm kiếm các thông tin điển hình cho thấy chính xác cách họ đã sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn và cách nó cải thiện vấn đề của họ. Đừng quên khai thác thêm một vài chi tiết bên lề để cho câu chuyện trở nên sống động. Sau khi bạn hoàn thành, hãy yêu cầu họ xem lại để đảm bảo rằng bạn đã làm đúng.
Điều quan trọng là cần làm cho những thông tin này càng tự nhiên càng tốt để gia tăng tính thuyết phục. Hiện nay, nhiều nhãn hàng thực hiện phương pháp này với đối tượng khách hàng là người nổi tiếng. Hiệu ứng từ người nổi tiếng sẽ càng làm tăng độ phủ về thương hiệu, tăng khả năng viral, tuy nhiên cần biết sử dụng một cách khôn ngoan.
3. Đưa câu chuyện vào bài viết để tăng yếu tố cảm xúc
Để tạo lập luận chắc chắn cho bài vết, chúng ta đưa ra các dẫn chứng khác nhau để thuyết phục người đọc về mặt lý trí. Nhưng bên cạnh đó đừng quên hướng người đọc tới những câu chuyện gần gũi có tính thực tế. Chúng ta cần kết nối với người đọc thông qua những câu chuyện riêng để họ thêm gần gũi với thương hiệu. Người đọc đánh giá nội dung của bạn bằng cảm xúc nhiều hơn, vì vậy cách tốt nhất để dẫn dắt cảm xúc của họ là đưa vào những câu chuyện. Mọi người thường bị thu hút và dễ đồng cảm với những thứ gần gũi với mình.
Những bài PR tuyệt vời luôn đầy kích thích và lôi kéo người đọc đi tới dòng chữ cuối cùng. Người đọc cảm thấy họ phải dùng thử sản phẩm, ngay khi toàn bộ bài viết không có một câu văn nào chứa từ “mua”.
4. Tạo ra tương tác với người đọc
Để tạo ra tương tác với người đọc bài viết PR, chúng ta thường có 3 cách:
- Truyền cảm hứng cho người đọc suy nghĩ
- Khơi nguồn thảo luận giữa các độc giả
- Thúc giục người đọc hành động
Trước hết, bài viết phải có điểm nhìn độc đáo và khác biệt, có thể khơi gợi suy nghĩ của người đọc, tạo cho người đọc cảm giác cộng hưởng. Bài viết không chỉ là chia sẻ thông tin đơn thuần, chúng ta phải tạo ra tương tác với người đọc để gia tăng tỷ lệ chuyển đổi. Bạn có thể khơi nguồn thảo luận của người đọc bằng cách thêm thắt một số thông tin đang gây tranh cãi. Tất nhiên những thông tin gây tranh cãi này phải được đông đảo mọi người quan tâm và mang tính tích cực.
Trong các bài PR, bạn có nhiều không gian văn bản hơn để xây dựng các cảm xúc dẫn người đọc đến lời kêu gọi hành động. Nhấn mạnh vào điểm đau, kích động người đọc bằng những mô tả sinh động. Giữ cho người đọc của bạn tương tác và lên kế hoạch xây dựng cảm xúc một cách cẩn thận: có một số điều như lạm dụng nó và đánh mất người đọc bằng cách chơi quá mạnh vào cảm xúc của họ và quá kịch tính.
Khi bắt đầu bài viết, chúng ta cần tạo ra một tiêu đề hay và thú vị, vì lẽ đó, bạn cũng nên kết thúc bài viết bằng lời kêu gọi hành động để thông báo cho họ biết về các bước tiếp theo họ nên thực hiện để tìm hiểu thêm về lợi ích hoặc các vấn đề khác liên quan tới thương hiệu.
Sử dụng lời kêu gọi giúp củng cố giá trị của sản phẩm và lôi kéo người đọc thực hiện một số loại hành động. Điều này có thể đơn giản như viết “đăng ký ngay bây giờ” hoặc “nhấp vào đây để xem chi tiết thông tin sản phẩm ”. Phần nội dung kêu gọi hành động cũng nên cung cấp thông tin khác như chi tiết liên hệ doanh nghiệp hoặc liên kết website doanh nghiệp để người đọc có thêm những tùy chọn khác sau khi họ đọc xong bài viết.
Lời kết
Đến đây chắn hẳn bạn đã đọc xong trang cuối cùng của bài viết này. Đây là toàn bộ chia sẻ của tôi về cách để triển khai một bài viết PR hiệu quả. Hi vọng rằng chúng sẽ hữu ích với bạn để tạo nên các bài PR có giá trị thực sự cho khách hàng hoặc áp dụng với chính thương hiệu do bạn làm chủ.
Quy trình viết bài PR trông có vẻ đơn giản, nhưng để hiểu sâu áp dụng một cách thành thục thì cần phải trải qua thời gian thực hành. Khi đó bạn sẽ thấy những bài viết của mình hấp dẫn hơn trước rất nhiều.
Cuối cùng xin nhắc lại, viết PR cũng chỉ là cách thức để kết nối với nhu cầu của người đọc mục tiêu. Vì vậy, hãy chú trọng vào việc mang đến lợi ích thực sự cho họ thay vì tập trung quá nhiều vào mục tiêu bán hàng. Hãy sẵn sàng CHO ĐI để NHẬN LẠI.
Bạn có thể kết nối với tôi qua Facebook Phuongleo, chúng ta sẽ trở thành bạn của nhau. Tôi rất vui khi được thảo luận về các vấn đề liên quan tới viết lách với bạn.
Tài liệu tham khảo
- https://economictimes.indiatimes.com/definition/advertorial
- https://www.storygize.com/advertorial-advertising/
- https://rachelmazza.com/my-8-step-system-for-writing-great-advertorials/
- https://hanhnguyenwriter.com/chia-se-kinh-nghiem-viet-bai-pr-cho-nguoi-moi-bat-dau/
- https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/3473-Huong-dan-viet-bai-PR-cho-doanh-nghiep
- https://aimacademy.vn/vi/blog/bai-viet-pr-la-gi
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này, mình rất vui nếu các bạn dành tặng mình một like dưới chân bài viết hoặc ủng hộ một ly trà chanh để mình có thêm động lực chia sẻ những nội dung hữu ích.
Bạn có yêu cầu nào cần mình trợ giúp không?
Mình luôn sẵn lòng lắng nghe để tìm được giải pháp tốt nhất cho vấn đề của bạn!
Bạn thân mến! Nếu bạn thật tâm muốn kết nối với mình thì hãy điền đúng địa chỉ email để chiếc thư mình trao đi không bị thất lạc nhé!